Phạt tiền người đi đò không áo phao

> Giao thông đường thủy: Nhiều bất cập phơi bày

> Bộ trưởng Thăng: Quy trách nhiệm người thấy tai nạn chìm tàu nhưng không cứu

TP – Giống như không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, người đi đò ngang tới đây sẽ bị phạt tiền nếu không mặc áo phao. Tuy nhiên, quy định này không dễ thực hiện như xử phạt vi phạm mũ bảo hiểm.

Từ 15/10, người đi trên đò ngang không mặc áo phao sẽ bị phạt đến 200.000 đồng. Ảnh: bảo an
Từ 15/10, người đi trên đò ngang không mặc áo phao sẽ bị phạt đến 200.000 đồng. Ảnh: bảo an.

Không áo phao, nộp phạt 200.000 đồng

Theo đó, lần đầu tiên, người tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông (gọi tắt là đò ngang) không mặc áo phao, hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh bị phạt 100-200 nghìn đồng (Nghị định 93 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa, có hiệu lực từ 15/10 tới đây).

“Trong vụ chìm đò tại Chôm Lôm (Con Cuông, Nghệ An) vào năm 2006 làm 19 học sinh thiệt mạng, nhờ chiếc áo phao cũ nát duy nhất được anh bộ đội biên phòng tặng, 1 sinh viên đã cứu được 6 em học sinh”.

ÔngTrần Sỹ Duy

Cục Đường thủy Nội địa

Ông Trần Sỹ Duy – Trưởng phòng Pháp chế Vận tải và An toàn Giao thông (Cục Đường thủy Nội địa) – tham gia soạn thảo thông tư này cho biết: Từ năm 2005, Bộ GTVT triển khai rầm rộ cuộc vận động người đi đò mặc áo phao, nhưng không tránh khỏi hiện tượng “xôi đỗ”. Sau các vụ chìm đò, đặc biệt tai nạn thương tâm khiến 42 người dân ở xã Quảng Hải (Quảng Trạch, Quảng Bình) thiệt mạng (vào đúng chiều 30 Tết năm 2009), năm 2012, Bộ GTVT ban hành Thông tư quy định bắt buộc hành khách đi trên đò ngang phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi. Tuy nhiên, thông tư này chưa quy định xử phạt với hành khách.

Ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Đường thủy Nội địa cho rằng, nếu chỉ xử phạt chủ đò là chưa đủ: “Dù có áo phao, dụng cụ nổi, nhưng hành khách không chịu mặc. Xử phạt hành khách là để bảo vệ tính mạng cho chính họ”.

Trung tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Tuyên truyền Cục CSGT Đường thủy nói: “Trong trường hợp đò được phép chở 12 người, nếu hành khách trong phạm vi (dưới 12 người) lên đò mà không có áo phao để mặc sẽ phạt chủ đò. Trường hợp hành khách thứ 13 lên đò, không mặc áo phao, nhưng chủ đò không ngăn cản sẽ phạt chủ đò, người đi đò không bị phạt. Khi chở quá số người, chủ đò đã hướng dẫn, nhưng hành khách lên đò không mang áo phao sẽ bị phạt”.

Không đủ lực lượng xử phạt

Dù chưa phạt tiền, nhưng quy định buộc mặc áo phao có từ hơn 1 năm nay. Tuy nhiên, khi PV Tiền Phong đi khảo sát tại nhiều bến đò ngang trên sông Hồng (Hà Nội) và một số tỉnh phụ cận như Thái Bình, Nam Định…, gần như cả chủ đò và hành khách không màng tới áo phao (treo để đối phó với cơ quan chức năng). Thậm chí, có nhiều đò không có áo phao.

Tại làng chài Vung Viêng (Vịnh Hạ Long – Quảng Ninh – cũng thuộc phạm vi của đường thủy nội địa) lại có hiện tượng trái: Khách du lịch đồng loạt mặc áo phao, riêng chủ đò không mặc. Thuyền bán bánh kẹo, nước ngọt lênh đênh trên vịnh Hạ Long không một chiếc phao; trẻ nhỏ 1 đến 2 tuổi bò lổm ngổm trên thuyền, sát mặt nước.

Theo ông Duy, tới đây sẽ đẩy mạnh việc thay áo phao bằng dụng cụ nổi cầm tay (các tấm xốp được ghép lại, đủ để làm nổi người có trọng lượng đến 70 kg) hoặc cặp nổi (vừa để đựng sách vở vừa trở thành phao cứu sinh cho học sinh lớp 1 đến lớp 5). Việc này sẽ tránh được hiện tượng mùa hè mặc áo phao thì nóng, mùa đông mặc lại vướng áo ấm.

Khó khăn của chương trình xử phạt “mũ bảo hiểm” qua sông này chính là tuần tra, xử lý. Toàn quốc có khoảng 2.000 bến đò ngang, trải dài suốt 42.000 km đường sông (chỉ tính tại các đoạn đường sông có khả năng khai thác vận tải thủy; nếu tính đầy đủ, cả nước có đến 220.000 km sông kênh). Tuy nhiên, lực lượng kiểm soát chuyên nghiệp (gồm 2 lực lượng thanh tra đường thủy nội địa và CSGT đường thủy) chỉ mới triển khai tại 20.000 km, còn lại coi như vùng “trắng”. Đó là chưa kể các bến đò tại các khu vực sông, kênh rạch nhỏ chưa được thống kê.

Tại những vùng “trắng” này, trách nhiệm thuộc về địa phương, chủ yếu là chính quyền xã. Tuy một số địa phương quản lý tốt, nhưng vẫn còn tình trạng xã thu tiền rồi khoán trắng cho chủ đò. Ông Trần Văn Cừu cho rằng, việc kiểm soát an toàn giao thông đường thủy, trong đó có mặc áo phao muốn thành công phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền xã. Còn theo trung tá Nguyễn Quang Nhật, để địa phương vào cuộc, tới đây, Bộ Công an, Bộ GTVT cần sớm ban hành thông tư liên tịch để các lực lượng này được phép xử lý.

Sỹ Lực

Từ khoá: tham gia giao thông bão học sinh thông tư nội địa quy định khả năng khai thác giao thông khách du lịch bảo hiểm hành khách an toàn giao thông xử phạt

Hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay mua tạm trữ thóc gạo

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 109/2013/TT-BTC hướng dẫn về việc hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng để mua tạm trữ thóc, gạo vụ Hè Thu năm 2013.

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của văn bản này là các thương nhân thực hiện mua tạm trữ thóc, gạo vụ Hè Thu năm 2013 được Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân giao theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 850/QĐ-TTg.

Thông tư có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc xem xét hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng để mua tạm trữ thóc, gạo; hồ sơ, thủ tục hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng để mua tạm trữ thóc, gạo; trách nhiệm của tổ chức, cơ quan Nhà nước có liên quan đến việc hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng để mua tạm trữ thóc, gạo; tổ chức kiểm tra việc hỗ trợ lãi suất vay mua tạm trữ.

Theo quy định, việc hỗ trợ lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ chỉ thực hiện đối với các khoản vay từ ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 850/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các khoản vay được hỗ trợ lãi suất là các khoản vay trả nợ trước và trong hạn tại thời điểm hỗ trợ lãi suất, không thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay quá hạn.

Số lượng thóc, gạo được hỗ trợ lãi suất cho từng thương nhân theo số lượng thóc, gạo thực tế thương nhân mua tạm trữ nhưng không được vượt quá số lượng quy định tại các văn bản phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ thóc, gạo vụ Hè Thu năm 2013 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và đảm bảo tổng số thóc, gạo mua tạm trữ không được vượt quá một triệu tấn quy gạo theo quy định. Loại thóc, gạo mua tạm trữ gồm thóc, gạo thường và thóc, gạo thơm. Thời hạn mua tạm trữ từ ngày 15/6 vừa qua đến hết ngày 15/8.

Thời gian được hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng là thời gian tạm trữ thực tế tính từ thời điểm mua thóc, gạo theo quy định tại khoản 6 Điều này đến thời điểm bán thóc, gạo tạm trữ nhưng không quá thời hạn ngày 15/9 tới. Giá để tính hỗ trợ lãi suất là giá mua thực tế theo giá thị trường (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho từng loại thóc, gạo. Căn cứ để xác định giá mua thực tế theo giá thị trường là hợp đồng mua bán, thanh lý hợp đồng, phiếu nhập kho hàng hóa, hóa đơn mua hàng, chứng từ chuyển tiền hoặc các chứng từ có liên quan khác do thương nhân xuất trình.

Lãi suất hỗ trợ là lãi suất các thương nhân vay ngân hàng theo Hợp đồng tín dụng nhưng tối đa không vượt quá 10%/năm theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại công văn số 4142/NHNN-TD ngày 12/6/2013. Khoản hỗ trợ lãi tiền vay ngân hàng từ ngân sách nhà nước đối với số thóc, gạo thu mua tạm trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được hạch toán vào khoản thu nhập khác trong kỳ của thương nhân và chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, trong thời gian 15 ngày làm việc, Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ và làm thủ tục hỗ trợ lãi suất cho thương nhân. Trường hợp thương nhân chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ hoặc không đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất thì Bộ Tài chính sẽ có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung hồ sơ theo quy định hoặc thông báo cho thương nhân biết lý do không được xem xét hỗ trợ lãi suất.

Tại văn bản đề nghị bổ sung hồ sơ, Bộ Tài chính phải quy định cụ thể thời gian để thương nhân hoàn chỉnh hồ sơ. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Tổng Công ty Lương thực miền Nam hướng dẫn các đơn vị thành viên lập hồ sơ hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng và tổng hợp chung theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư này gửi Bộ Tài chính. Tổng công ty phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu đã tổng hợp.

Sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ do Bộ Tài chính cấp về tài khoản Tổng công ty, trong thời gian 5 ngày làm việc Tổng công ty thực hiện cấp lại cho các đơn vị thành viên. Đối với các thương nhân khác: Bộ Tài chính tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ hỗ trợ lãi suất sau khi kết thúc thời gian tạm trữ và cấp phát hỗ trợ kinh phí thông qua tài khoản của thương nhân.

Kết thúc thời gian tạm trữ, Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra việc lập hồ sơ hỗ trợ lãi suất để mua thóc, gạo tạm trữ của thương nhân. Việc kiểm tra phải thông báo cho thương nhân bằng văn bản trước khi kiểm tra. Kết thúc kiểm tra phải lập Biên bản kiểm tra trong đó nêu rõ tình hình thực hiện, tồn tại vướng mắc và kiến nghị giải pháp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/8./.

(TTXVN)

Từ khoá: tài chính ngân hàng kiểm tra nhà nước vượt qua gia quy định công ty bộ tài chính thông tư thuế thu nhập doanh nghiệp hợp đồng

Bức xúc mũ bảo hiểm

L.T.S: Xung quanh việc thực hiện Chỉ thị 04 của Thủ tướng và Thông tư 06 về tăng cường quản lý SXKD và sử dụng MBH “đầu voi đuôi chuột”. Hiện nay Báo Lao Động đã nhận được khá nhiều thư bạn đọc, bày tỏ bức xúc, để rộng thêm thông tin tới các cơ quan chức năng, Báo Lao Động xin trích đăng một trong những bức thư đó.

“Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Uỷ ban ATGTQG về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) và Thông tư liên tịch 06. Ban đầu, người dân hưởng ứng rất nhiệt tình chủ trương trên. Cụ thể trong chương trình đổi mũ do UBATGT QG phối hợp với các đơn vị sản xuất kinh doanh MBH thực hiện đã đổi được gần 200.000 mũ cho người dân. Tuy nhiên đây là con số vô cùng nhỏ so với tổng dân số gần 90 triệu người ở Việt Nam. Các đơn vị sản xuất MBH phù hợp quy chuẩn tưởng rằng sẽ có một tương lai tốt với một thị trường cạnh tranh công bằng nên đã đầu tư thêm nhiều tiền của để cải tiến quy trình công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đáp ứng sự kêu gọi của các cơ quan quản lý nhà nước, họ đã thực hiện tăng ca, tuyển dụng thêm công nhân nhằm đảm bảo nguồn cung MBH chất lượng phù hợp quy chuẩn cho người dân.

Thế nhưng, tình hình thị trường hiện tại đã khiến những nhà sản xuất MBH chân chính thất vọng, rằng dù mọi nỗ lực của quản lý thị trường, làm từ miền Bắc xuống tới miền Nam, nhưng lực lượng cảnh sát giao thông, công an khu vực, những cơ quan chức năng tại địa phương không cùng vào cuộc,… như tinh thần của Chỉ thị 04 và Thông tư 06 nên người dân lại tiếp tục thờ ơ với tính mạng của mình. Họ sử dụng MBH không phù hợp quy chuẩn như một thói quen độc hại đã được hình thành từ lâu và khó từ bỏ. Thêm nữa, những nhà sản xuất kinh doanh MBH kém chất lượng lại “sống dậy” với các đơn hàng nhiều hơn trước, việc đã làm của cơ quan quản lý thị trường thì như “Dã tràng xe cát biển Đông”. Vậy ai là người chịu trách nhiệm về việc chính sách đưa ra nhưng không được thực thi?

Theo tính toán, với một cái mũ kém chất lượng giá khoảng 30.000 đồng sử dụng được 6 tháng, như vậy với 50 triệu người sử dụng mũ này thì mỗi 6 tháng người dân phải bỏ ra 1.500 tỉ đồng chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông mà không có một lợi ích nào khác. Đây là một tổn thất ghê gớm, một con số mà khi chúng ta nhìn vào phải cười trong nước mắt.

Nếu nhìn sang các nước Indonesia hay Thái Lan thì chúng ta sẽ thấy được người dân của các nước láng giềng cũng sử dụng xe máy là phương tiện giao thông chính, họ cũng bắt buộc sử dụng MBH như chúng ta, họ cũng là một đất nước nhiệt đới nóng ẩm, nhưng họ sử dụng MBH loại có cằm cài quai rất an toàn, còn chúng ta sử dụng mũ nhựa nhái chỉ để không bị phạt. Nghĩ mà thấy sợ! Hiện tại các cơ quan chức năng đều đổ cho “ý thức của người dân”. Phải nói đây là một tuyên bố vô cùng khôn ngoan, vì sẽ không ai phải chịu trách nhiệm mà người dân tự làm tự chịu (!?!!). Còn người dân thì phát biểu rất thật: “Hồi trước không bắt mũ, giờ quen đội mũ đểu, nhẹ rồi, bị bắt phải đội mũ nặng khó chịu quá, phải chi từ lúc đầu cấm có phải tốt hơn không?”. “Ý thức của người dân” thiết nghĩ cũng là do các cơ quan điều hành xã hội xây dựng nên. Nếu thật sự có tâm có tầm, có trách nhiệm thì sẽ tạo được môi trường tốt nâng cao nhận thức cho người dân. Chẳng phải Singapore hay thậm chí Đà Nẵng đã làm được việc đó ư?

Chính sự yếu kém trong quản lý xã hội, không những gây thiệt thòi cho người tiêu dùng vì họ phải tiêu dùng những sản phẩm không phù hợp, không đúng mục đích mà còn gây thiệt hại cho những nhà sản xuất chân chính vì sản phẩm tốt đúng mục đích phải cạnh tranh với sản phẩm xấu, sản phẩm mũ nhựa nhái chỉ để đối phó với cơ quan chức năng.

Nếu cứ như vậy, các nhà sản xuất, các nhà kinh doanh và người tiêu dùng còn biết trông cậy vào đâu. Và phải chăng Chỉ thị 04 của Thủ tướng đang bị chính các cơ quan quản lý “vô hiệu hoá”.

Từ khoá: thông tư sản phẩm phương tiện giao thông người tiêu dùng nâng cao chất lượng chất lượng giao thông quản lý nhà nước thủ tướng tiêu dùng cơ quan quản lý nhà nước người dân chất lượng sản phẩm kinh doanh thị trường trách nhiệm

Gói 30.000 tỷ đồng: Không phải ai cũng vay được

(ĐTCK) Việc triển khai gói tín dụng ưu đãi bất động sản 30.000 tỷ đồng hiện đang được coi là chậm và quá phức tạp, đặc biệt với phía người vay mua nhà.

Theo Phó giám đốc NHNN TP. HCM Nguyễn Hoàng Minh, lý do chính là, người vay vốn, ngoài việc phải thỏa mãn các điều kiện về hoàn cảnh, phải chứng minh được khả năng trả nợ.

>Vướng mắc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng

Đến nay, việc giải ngân gói tín dụng hỗ trợ mua, thuê mua nhà 30.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng triển khai tới đâu, thưa ông?

Theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN (Thông tư 11), các ngân hàng thương mại (NHTM) được chỉ định cho vay hỗ trợ nhà ở gồm Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank và MHB. Việc giải ngân cho vay đối với các cá nhân và doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và quy trình tín dụng của từng NHTM. Hiện các NHTM kể trên đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về hình thức, thủ tục, quy định, điều kiện, thẩm định hồ sơ cho vay hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng. Người có nhu cầu vay vốn mua nhà ở theo gói tín dụng này có thể liên hệ trực tiếp với các NHTM để được hướng dẫn chi tiết về các điều kiện, thủ tục vay vốn. Việc triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở theo gói 30.000 tỷ đồng có sự chỉ đạo từ nhiều cơ quan ban ngành. Những vướng mắc trong cơ chế cho vay của ngân hàng đã được báo cáo lên NHNN để có chỉ đạo kịp thời nhằm giải quyết các khó khăn, giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn thuận lợi. Các vấn đề vướng mắc khác liên quan đến trách nhiệm hướng dẫn của Bộ Xây dựng mà các NHTM đã kiến nghị, NHNN chi nhánh TP. HCM cũng đã tổng hợp và đề xuất các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hơn của Bộ Xây dựng.

Có thông tin rằng, một số ngân hàng đã công bố tỷ trọng phân bổ nguồn tín dụng ưu đãi là 60% cho doanh nghiệp và 40% cho người tiêu dùng trong 3 năm đầu tiên. Thực hư chuyện này ra sao?

Khoản 4, Điều 2, Thông tư 11 quy định: “Tổng mức cho vay của các ngân hàng đối với doanh nghiệp chiếm tối đa 30% nguồn tái cấp vốn hỗ trợ nhà ở theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này. Như vậy, nguồn tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng của NHNN cho các NHTM đối với dư nợ cho vay doanh nghiệp tối đa là 30% và người tiêu dùng là 70%. NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng và các NHTM đã có giải pháp kiểm soát tổng thể, đảm bảo cho vay đối với các doanh nghiệp tối đa bằng 30% tổng nguồn vốn cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong từng thời điểm, tỷ lệ này có thể thay đổi, miễn sao về tổng thể, chỉ 9.000 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp. Bên cạnh phần tái cấp vốn của NHNN thì một số NHTM đã tự cân đối thêm nguồn vốn của ngân hàng và cam kết lãi suất cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội là 6%/năm. Vì thế, tỷ lệ 60% cho doanh nghiệp và 40% cho người tiêu dùng trong phần nguồn vốn mà các NHTM triển khai là chiến lược kinh doanh của từng ngân hàng, không mâu thuẫn với Thông tư 11 hay Thông tư 07.

Thời hạn cho cá nhân vay vốn là 10 năm làm cho người thu nhập thấp hàng tháng phải trả khoản tiền vay gốc và lãi cao hơn mức thu nhập của họ. Có nên tăng thời hạn này lên 15 hay 20 năm hay không, thưa ông?

10 năm là thời hạn tối đa áp dụng mức lãi suất ưu đãi 6%/năm cho các khoản vay mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại. Các NHTM, khi nhận hồ sơ vay mua nhà ở của khách hàng, sẽ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhu cầu vay thực tế, thời hạn vay thực tế và khả năng trả nợ của khách hàng để ra quyết định giải ngân phù hợp. Nếu khách hàng có nhu cầu vay dài hơn 10 năm thì từ năm thứ 11 trở đi sẽ áp dụng mức lãi suất thỏa thuận giữa các NHTM và khách hàng vay vốn.

Người thu nhập thấp phải có tài sản bảo đảm, đây có phải là rào cản với họ khi muốn tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi?

Điều 6, Thông tư 11 quy định: “Ngân hàng xem xét và quyết định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật”. Như vậy, NHNN giao quyền cho NHTM quyết định có thế chấp hay không, tùy thuộc vào tình hình tài chính và năng lực trả nợ của khách hàng vay. Theo quy định hiện hành về tài sản thế chấp, các NHTM được phép cho vay đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Căn nhà mua là một dạng tài sản sẽ hình thành từ vốn vay, khi đó, có thể thỏa thuận hợp đồng thế chấp ba bên gồm ngân hàng – khách hàng – chủ đầu tư dự án. Văn bản triển khai hướng dẫn của NHTM đều có quy định cụ thể về vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng, người có thu nhập thấp rất khó tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng. Còn phía ngân hàng lại lý giải có quá nhiều vướng mắc. Ông nghĩ sao về điều này?

Hiện chúng tôi cũng đang tập hợp những khó khăn, vướng mắc mà các ngân hàng phản ánh về. Theo chúng tôi được biết, phía ngân hàng triển khai chương trình này không có gì khó khăn, nhưng người muốn vay phải có xác nhận của địa phương, mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi đã đề nghị UBND TP. HCM cũng như UBND các quận, huyện, phường, xã xác nhận cho người dân khi họ có nhu cầu vay vốn từ chương trình này. Mặt khác, để được vay vốn, cần có hợp đồng mua nhà hoặc hợp đồng thuê, mua nhà, và việc này phải thông qua một hội đồng địa phương xét duyệt. Do đó, chúng tôi cũng đang đẩy nhanh tiến độ các thủ tục này. Trước mắt, nguồn vốn sẽ được dành ưu tiên cho các cán bộ công chức, thuộc gia đình chính sách, cán bộ vũ trang, cán bộ y tế, giáo dục để có một nơi an cư, yên tâm công tác.

Ông đánh giá thể nào về tốc độ triển khai gói ưu đãi lãi suất này trong thời gian tới?

Thực tế, gói 30.000 tỷ đồng này chỉ được giải ngân thông qua 5 NHTM và chủ yếu thực hiện ở các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Ở những tỉnh, thành khác, theo chúng tôi, nhu cầu về nhà ở xã hội là không cao. Do đó, đối với khu vực TP. HCM, chúng tôi đã tích cực triển khai quyết liệt, đảm bảo nguồn vốn này sử dụng đúng mục đích, yêu cầu và tiến độ.

Từ khoá: quy định bất động sản nhu cầu thủ tục tài sản bão thời hạn vay vốn thông tư người thu nhập thấp ngân hàng hợp đồng thu nhập thấp mức thu nhập khách hàng xây dựng tín dụng khó khăn doanh nghiệp người tiêu dùng tiêu dùng triển khai quyết định

Đấu thầu thuốc chọn “giá thấp”: Nhiều nỗi lo!

PN – Trước tình trạng thuốc đưa vào bệnh viện (BV) mỗi nơi một giá, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ra Thông tư 01 về cơ chế đấu thầu thuốc tại BV. Theo thông tư này, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất. Điểm nhấn mạnh “có giá thấp nhất” đang làm chính các bác sĩ cũng như bệnh nhân lo lắng về chất lượng thuốc trong BV.

Tiết kiệm chưa chắc đã tốt

BV Bạch Mai (Hà Nội) là BV tuyến cuối với đông bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng hiện vẫn chưa được phê duyệt phương án đấu thầu thuốc mới theo Thông tư 01. Theo DS Nguyễn Thị Hồng Thủy, Trưởng khoa Dược BV Bạch Mai, đề án đấu thầu đang trình lên Bộ Y tế và chờ phê duyệt. Chính các bác sĩ trong BV cũng băn khoăn về phương án chọn thuốc “có giá thấp nhất” đưa vào BV. Các bác sĩ này cho rằng, khi thuốc có giá thấp nhất thì kèm theo chất lượng cũng chưa chắc đã bằng các thuốc đắt tiền hơn.

“Trên thực tế, các thuốc đấu thầu cho dù giá rẻ cũng đều được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép về chất lượng. Vì vậy, chưa có cơ sở khẳng định về chất lượng thuốc đắt và rẻ. Muốn kiểm chứng, chúng ta cần thêm thời gian sau khi thực hiện đưa thuốc vào điều trị cho bệnh nhân”- DS Thủy nói.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Sức khỏe&Đời sống

Theo BS Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, nếu áp dụng đúng quy chế đấu thầu mới, giá của nhiều loại thuốc có thể giảm 20-30% so với hiện nay. Nhưng cũng có ý kiến của các bác sĩ điều trị cho rằng, theo quy định mới, các hồ sơ mời thầu của doanh nghiệp đạt 70-100 điểm sẽ lọt vào vòng chấm thầu để lựa chọn thuốc có giá thành thấp nhất. Thế nhưng, cách tính điểm này chưa hợp lý, sẽ xảy ra tình trạng nhiều loại thuốc của Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan… được xếp chung với Mỹ, Bỉ, Ý, Pháp…

Ai kiểm soát chất lượng?

Đánh giá chung về chất lượng thuốc, nhiều dược sĩ, bác sĩ nhận định: thuốc của các nước châu Á sản xuất không thể sánh với châu Âu. Muốn đánh giá đúng thuốc cần phải thử tương đương sinh học, chứ không phải chỉ nhìn vào phần tự ghi thành phần của các nhà sản xuất. Nhưng công việc phân tích tương đương sinh học rất tốn kém.

Theo thống kê của Cục Quản lý dược, giá trị tiền thuốc trúng thầu theo Thông tư 01 mới tại một số địa phương đều giảm hàng chục tỷ đồng so với năm trước. So sánh trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng có tỷ trọng sử dụng cao trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế với việc mua sắm các mặt hàng này năm 2012 cho thấy, số tiền tiết kiệm được là 115,49 tỷ đồng.

Về cơ cấu thuốc, có 2.211 loại thuốc ngoại và 3.646 loại thuốc VN trúng thầu cung cấp thuốc cho chín tỉnh thành, trong đó Ấn Độ dẫn đầu danh sách quốc gia cung cấp thuốc ngoại; Trung Quốc cũng nằm trong nhóm năm nhà cung cấp thuốc vào BV Việt Nam dịp này.

Một phó giám đốc BV lớn tại Hà Nội chia sẻ: “Chưa đề cập đến vấn đề tâm lý người dân là muốn sử dụng thuốc ngoại, thuốc đắt tiền, về mặt điều trị bệnh, thuốc của các hãng uy tín trên thế giới sẽ điều trị tốt hơn và rút ngắn thời gian trị bệnh hơn”.

Giá thuốc rẻ nhất được đấu thầu vào bệnh viện sẽ làm giảm tiền mua thuốc của người bệnh, nhưng khi cơ quan chức năng không xác định chính xác tương đương sinh học của “thuốc rẻ nhất” thì liệu có đảm bảo điều trị hiệu quả? Bộ Y tế hay Bộ Tài chính mới chỉ đang nhìn thấy việc giảm được giá thành thuốc đấu thầu vào bệnh viện.

Trúc Khuê

Một số cơ sở đấu thầu có dấu hiệu thay đổi cơ cấu điểm

Bộ Y tế vừa ra Chỉ thị số 06/Ct-BYT về việc tăng cường quản lý, giám sát hoạt động đấu thầu cung ứng thuốc trong các cơ sở y tế. Theo đó, Bộ Y tế nhận định, trong quá trình triển khai đấu thầu thuốc theo Thông tư 01 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính phát sinh một số đơn vị chưa thực hiện đúng quy định, như yêu cầu nhà thầu tham gia tất cả các mặt hàng trong một gói thầu, thay đổi tiêu chuẩn đánh giá, cơ cấu điểm về mặt kỹ thuật, không thực hiện đúng hướng dẫn về phân chia nhóm thuốc.

Chính vì những lý do này, Bộ trưởng Bộ Y tế ra chỉ thị đề nghị giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế giám sát chặt chẽ quy chế đấu thầu theo đúng quy định. Bên cạnh đó, khi xem xét đánh giá hồ sơ dự thầu, nhà thầu phải có giá thấp nhất trong gói thầu thuốc theo tên biệt dược. Giá thuốc trúng thầu không được vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của mặt hàng đó.

Theo Thông tư 01 này, thuốc đấu thầu vào bệnh viện sẽ được mua bằng tiền ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.

Việt Các

Từ khoá: bộ tài chính bảo hiểm y tế tài chính khám chữa bệnh bão thông tư cung cấp chất lượng quy định quỹ bảo hiểm bệnh viện gia

Bỏ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng

avatar.aspx?ID=76834&at=0&ts=177&lm=635080109534930000

Ảnh minh họa – nguồn internet.(eFinance Online) – Trong một thông báo hồi chiều ngày 27/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra thông điệp đồng loạt giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi và cho vay bằng VND – USD. Đáng chú ý, NHNN quyết định sẽ dỡ bỏ trần lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng.

Điều này cũng được Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến khẳng định tại Hội nghị giao ban trực tuyến 6 tháng đầu năm của Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng nay. Phó Thống đốc cũng cho biết thêm: Đợt giảm lãi suất lần này là giới hạn điều chỉnh cuối cùng, vì lạm phát khoảng 7% trong khi lãi suất đã giảm về 7%, việc tiếp tục giảm lãi suất nữa hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát lạm phát.

Lý giải nguyên nhân đợt giảm lãi suất lần này, NHNN cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất huy động và cho vay của hệ thống TCTD tiếp tục giảm, lãi suất thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức thấp. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất-kinh doanh còn gặp khó khăn do sức mua của thị trường vẫn ở mức thấp, khả năng hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp còn hạn chế.

Trên cơ sở đó, để kiểm soát lãi suất huy động và cho vay ở mức hợp lý nhằm góp phần ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản suất – kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/01/2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; hôm nay, NHNN đã chính thức ban hành các Thông tư điều chỉnh lãi suất có hiệu lực kể từ ngày mai – 28/6.

Cụ thể, tại Thông tư 15/2013/TT-NHNN ngày 27/6/2013 quy định về lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 2%/năm xuống 1,2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 06 tháng giảm từ 7,5% xuống 7%; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 06 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm. Đáng chú ý, NHNN đã quyết định dỡ bỏ trần lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng bằng việc quy định lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 06 tháng trở lên sẽ do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

Còn tại Thông tư 14/2013/TT-NHNN quy định về lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, các nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức là người cư trú, tổ chức là người không cư trú (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) giảm từ 0,5%/năm xuống 0,25%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là người cư trú, cá nhân là người không cư trú giảm từ 2%/năm xuống 1,25%/năm.

NHNN cũng yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng VND và USD tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định của NHNN. Nghiêm cấm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật và Thông tư này (Thông tư số 14/2013/TT-NHNN).

Đối với lãi suất tiền gửi bằng VND và USD có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Thông tư số 14/2013/TT-NHNN và 15/2013/TT-NHNN có hiệu lực thi hành, được thực hiện cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Thông tư này.

(T.Hương)

Từ khoá: thông tư thị trường tín dụng ngân hàng khó khăn ổn định giải pháp quy định cá nhân

Hà Nội giảm 50% phí bảo hiểm cho học sinh nghèo

(VOV) -Những HS, SV là con liệt sỹ, thương binh hạng 1/4 còn được miễn phí bảo hiểm.

Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội vừa hướng dẫn thực hiện Thông tư liên Bộ Tài chính – Giáo dục và Đào tạo số 35/TT-LB ngày 06/5/1995 về việc hướng dẫn công tác bảo hiểm học sinh – sinh viên (HS, SV) trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đối tượng bảo hiểm gồm HS thuộc 14 quận huyện thành phố Hà Nội cũ và huyện Mê Linh; SV các trường thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội quản lý.

Theo Thông tư, công ty Bảo Việt Hà Nội nhận bảo hiểm miễn phí cho HS, SV là con liệt sỹ, thương binh hạng 1/4 đang theo học trong các trường tham gia bảo hiểm tại Bảo Việt Hà Nội và đang được hưởng trợ cấp theo thông tư 27/TT-LB ngày 11/11/1993.

Bảo Việt Hà Nội giảm 50% phí bảo hiểm cho HS là người tàn tật, mồ côi, HS nghèo (theo chuẩn nghèo hiện hành của thành phố Hà Nội) được qui định tại điểm 1 điều 1 Quyết định 01/2011/QĐ-UBND ngày 10/01/2011 ban hành chuẩn nghốo cho giai đoạn 2011-2015 của UBND TP Hà Nội đang theo học tại các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thuộc 14 quận, huyện Hà Nội cũ và huyện Mê Linh (tối đa 500 học sinh/quận, huyện/năm).

Các đối tượng được miễn, giảm phí bảo hiểm phải được UBND xã, phường, thị trấn, phòng lao động thương binh xã hội quận huyện quản lý xác nhận. Nhà trường lập danh sách kèm xác nhận gửi phòng giáo dục. Các Phòng GD – ĐT tập hợp danh sách học sinh thuộc đối tượng trên và kèm theo xác nhận của chính quyền địa phương đối với học sinh nghèo chuyển cho Bảo Việt Hà Nội.

Điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm (STBH) áp dụng như HS khác cùng lớp, cùng trường.

Hiệu lực bảo hiểm được áp dụng đối với HS là 1 năm kể từ ngày khai giảng năm học 2013 – 2014 đến ngày khai giảng năm học 2014 – 2015. Trong thời gian đang triển khai thu phí bảo hiểm, phí chưa nộp về Bảo Việt Hà Nội mà HS không may gặp rủi ro thì vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm với điều kiện: Năm học 2012 – 2013, HS đã tham gia bảo hiểm, HS có tên trong danh sách đăng ký bảo hiểm năm học 2013-2014.

SV các trường thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội quản lý có thể tham gia bảo hiểm theo năm học tính từ thời điểm đến làm thủ tục nhập học hoặc bảo hiểm cả khóa học (tham gia bảo hiểm cả khóa học có thời gian từ 18 tháng trở lên được giảm phí theo quy định tại hướng dẫn bảo hiểm đối với SV các trường trung cấp, CĐ, ĐH)./.

Từ khoá: bộ tài chính chế độ bảo hiểm công ty bảo việt tiền bảo hiểm đối tượng bảo hiểm gia giảm phí bảo hiểm phí bảo hiểm số tiền bảo hiểm bão hiệu lực bảo hiểm bảo việt bảo hiểm thông tư đăng ký bảo hiểm tham gia bảo hiểm bảo hiểm học sinh học sinh học sinh nghèo điều kiện bảo hiểm

Hà Nội đề nghị tăng giá viện phí

ANTĐ – UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình HĐND TP đề nghị điều chỉnh giá 819 dịch vụ khám, chữa bệnh. Theo UBND TP, việc tăng giá là cần thiết bởi khung giá viện phí hiện nay đã quá lỗi thời.

Tăng viện phí sẽ giảm bớt khó khăn cho các cơ sở y tế

Giá cũ quá lạc hậu

Theo UBND TP Hà Nội, khung giá dịch vụ y tế hiện nay của các bệnh viện thực hiện dựa trên cơ sở giá tính từ thời điểm Thông tư 14 ban hành từ năm 1995 đến nay đã 18 năm. Trong khi đó, tiền lương tối thiểu đã tăng 8,7 lần (từ 120.000 đồng lên 1.050.000 đồng), mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng tăng (trước đây là 3% lương, nay là 4,5% lương)…

Vì thế, việc tiếp tục duy trì khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh cũ khiến cho việc vận hành các bệnh viện gặp nhiều khó khăn, không thể đáp ứng đòi hỏi nâng cao chất lượng dịch vụ đối với người sử dụng. Khung giá viện phí ban hành thấp và không điều chỉnh theo tốc độ tăng quá nhanh của vật giá dẫn đến chất lượng khám, chữa bệnh không đảm bảo, nhiều bệnh nhân BHYT phải chấp nhận từ bỏ quyền lợi BHYT và đăng ký theo diện tự nguyện. Mức thu viện phí còn mang tính bình quân, không phân biệt khả năng đóng góp của người bệnh nên chưa huy động đúng và hợp lý các nguồn lực của xã hội cho hoạt động y tế, chưa khuyến khích được người mắc các bệnh thông thường điều trị ở tuyến y tế cơ sở. Cơ cấu giá không phản ánh đúng chi phí tối thiểu cho việc sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư cần thiết để thực hiện các dịch vụ y tế, gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong cân đối kinh phí khám, chữa bệnh; quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT bị ảnh hưởng…

Thực tế, kể từ 29-2-2012, sau khi liên Bộ Y tế – Tài chính ban hành Thông tư liên tịch quy định mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, đã có 61 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh (chỉ còn lại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa điều chỉnh). Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh viện phí của 2 TP lớn nhất cả nước sẽ không được diễn ra cùng lúc. Như vậy, nếu TP Hà Nội điều chỉnh giá viện phí vào tháng 7-2013 thì TP Hồ Chí Minh sẽ phải lùi tới cuối năm.

Điều chỉnh giá 819 dịch vụ

Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, nguyên tắc điều chỉnh giá viện phí phải đảm bảo tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện dịch vụ chưa tính khấu hao tài sản cố định, tiền lương, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị có giá trị lớn… Đồng thời, phải đảm bảo mặt bằng chung thống nhất về giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng đối với các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố. Mức giá được xây dựng trên cơ sở có lộ trình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại bệnh viện, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập của người dân cũng như tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế và khả năng cân đối quỹ BHYT của Hà Nội.

Cụ thể, đợt này, UBND TP đề nghị điều chỉnh giá 819 dịch vụ khám, chữa bệnh. Trong đó, điều chỉnh giá 5 dịch vụ khám bệnh; kiểm tra sức khỏe; 9 dịch vụ ngày giường bệnh; 373 dịch vụ kỹ thuật trong 447 dịch vụ kỹ thuật quy định tại Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế – Tài chính; giá của 333 phẫu thuật, thủ thuật; đồng thời, quy định tạm thời mức giá cho 99 dịch vụ kỹ thuật khác. Các mức điều chỉnh do UBND TP đề xuất ở mức khoảng 70% mức trần dịch vụ tại khung giá viện phí do liên Bộ Y tế – Tài chính quy định.

UBND TP Hà Nội cho biết, để nâng cao chất lượng dịch vụ, trước mắt là công tác khám chữa bệnh và đảm bảo giường điều trị cho người bệnh, hàng năm, các đơn vị được phép thu phải dành tối thiểu 15% số thu từ dịch vụ khám bệnh để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang bị điều hòa; máy tính; các dụng cụ khám đa khoa, chuyên khoa, bàn ghế, gường tủ… cho các phòng khám, buồng khám. Ngoài ra, 15% số thu từ dịch vụ ngày giường điều trị sẽ được dành để sửa chữa nâng cấp, cải tạo, mở rộng các buồng bệnh, tăng số lượng giường bệnh… để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Chủ trương tăng viện phí sẽ được xem xét tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XIV, sẽ khai mạc vào 1-7 tới. Nếu được HĐND TP thông qua, quy định về mức viện phí mới có thể sẽ được áp dụng từ 1-8-2013.

Xây dựng chính sách thu hút nhân tài

UBND TP Hà Nội cũng đã có tờ trình HĐND TP về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Cụ thể, những nhân tài sẽ được TP tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển; được hỗ trợ đãi ngộ thu hút bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận. Ngoài ra, sẽ được thuê, mua nhà ở theo chính sách ưu tiên của Nhà nước và thành phố. Sau 2 năm công tác kể từ thời điểm có quyết định tuyển dụng, sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài và được thành phố hỗ trợ kinh phí.

Các đối tượng trong diện tuyển dụng đặc cách phải cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Hà Nội tối thiểu 7 năm, kể từ thời điểm được tiếp nhận hoặc tuyển dụng đặc cách, không tính thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng và thời gian cam kết phục vụ sau đào tạo, bồi dưỡng. Trường hợp vi phạm cam kết phải hoàn trả lại các khoản kinh phí hỗ trợ đãi ngộ.

Ngọc Khánh

Từ khoá: tài chính tuyển dụng trang thiết bị người bệnh khám chữa bệnh chất lượng dịch vụ khó khăn khám bệnh chính sách chi phí trực tiếp kỹ thuật tham gia bảo hiểm chất lượng kiểm tra sức khỏe đào tạo đồng bảo hiểm quy định chi phí bệnh viện thông tư bão chữa bệnh nâng cao chất lượng gia dịch vụ xây dựng

Nên lùi Thông tư 02

Nên lùi Thông tư 02

Nguyễn Ngọc Nghĩa

(TBKTSG) – LTS: TBKTSG đã từng có bài về Thông tư 02 (Có nên lùi Thông tư 02? – TBKTSG số 17-2013) nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thông tư này trong việc xác định nợ xấu của ngân hàng. Dưới đây là một ý kiến khác để bạn đọc tham khảo.

>> Bạn đọc đã đăng nhập, nhấn vào đây để xem nội dung bài viết.

Từ khoá: thông tư tầm quan trọng

Vẫn còn khoảng cách giữa kỳ vọng và hiện thực

(PL&XH) – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng vừa ký kết văn bản thỏa thuận để triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường BĐS (BĐS) bắt đầu từ ngày 1-6 tới.

Theo đó, 30.000 tỷ đồng nói trên sẽ được đổ vào thị trường BĐS với lãi suất ưu đãi 6%/năm.

Động thái trên của các cơ quan chức năng được kỳ vọng rất nhiều về khả năng “phá băng” BĐS. Thế nhưng, với thực trạng hiện nay dư luận lại bày tỏ không ít những băn khoăn xung quanh “giải pháp” này.

30.000 tỷ đồng và kỳ vọng “tan băng” BĐS

Không khó để nhận thấy, nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 chiếm chưa tới 20% nguồn cung, trong đó tỷ lệ nhà ở xã hội rất ít. Đây chỉ là một phân khúc nhỏ bé, không giữ vai trò quyết định trong việc vực dậy thị trường BĐS đang ốm liệt. Do tỷ suất sinh lời rất thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nên dù nhiều ưu đãi, chủ đầu tư đều chưa mặn mà với nhà ở xã hội. Trong khi đó, với thu nhập trong tình hình hiện tại thì việc sở hữu một căn nhà, đang là mơ ước của rất nhiều người thu nhập thấp, dù được cho vay hỗ trợ.

“Là một công chức công tác tại UBND phường, mức thu nhập khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng, chỉ đủ chúng tôi chi phí sinh hoạt trong tình cảnh “thắt lưng buộc bụng”. Vì thế, mong ước sở hữu một căn nhà thì không ai không có, nhưng trong tình hình hiện tại, chúng tôi chưa dám nghĩ đến chuyện vay lãi từ gói hỗ trợ để mua nhà” – anh Việt, công chức một UBND phường tại Hà Nội cho biết.

Xét cả ở hai khía cạnh cung và cầu của thị trường BĐS, phía chủ đầu tư rất cần vốn để triển khai các dự án còn dang dở, còn phía người dân cần sự hỗ trợ tài chính để có thể “an cư”. Thế nhưng, có thể nói rằng 30.000 tỷ đồng rót vào thị trường BĐS cũng chỉ như… muối bỏ bể. Mặt khác không khó để nhận thấy, đối tượng tiếp cận dòng vốn này cũng hạn chế. Và, nhiều ý kiến cho rằng “biện pháp” trên sẽ không hiệu quả.

Song, điều quan trọng cũng là niềm kỳ vọng nhất đối với gói hỗ trợ này là khơi thông niềm tin cho thị trường BĐS trong bối cảnh “đóng băng”. Vì lẽ đó, nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ niềm tin, nhờ gói hỗ trợ này, giao dịch trên thị trường BĐS sẽ sớm được “nóng” trở lại, đặc biệt là khi phân khúc nhà ở xã hội được “quan tâm” ở cả hai góc độ cung lẫn cầu, nhằm mục đích chủ đầu tư và những người có nhu cầu nhà ở thực sự “gặp nhau”.

Sau nhiều tranh cãi, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cuối cùng đã chính thức được tung ra với nhiều kỳ vọng. Điều này, dù sao cũng đã thổi bùng ngọn lửa hi vọng cho những nhà đầu tư, và cả không ít người dân trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn. Bởi lẽ, thực tế trước đó không lâu rất nhiều người đặc biệt là các chủ đầu tư đã hoang mang trước ý kiến cho rằng, nên để thị trường BĐS rơi tự do, không cần giải cứu.

0aa1.JPG

Từ 1-6-2013, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ làm “tan băng” thị trường BĐS.

Những “lăn tăn” về tính khả thi…

Qua tìm hiểu, PV được biết, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở này không phải nhằm mục đích giải cứu thị trường BĐS, mà mục tiêu chính là nhằm tạo ra những tác động nhất định để làm ấm lại thị trường BĐS. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ sẽ tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp nên các nhà quản lý cũng đang đặt kỳ vọng sẽ có nhiều đối tượng thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở.

Về tính khả thi của biện pháp “giải cứu” này, nhiều chuyên gia cho rằng nếu 30.000 tỷ đồng được các ngân hàng triển khai tốt, đúng đối tượng sẽ là cú hích vào đối tượng nhà ở xã hội và phân khúc quy mô nhỏ, làm tổng giao dịch tăng lên.

Nhưng nhìn vào những yêu cầu, quy định được nêu ra trong Thông tư 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng về những đối tượng trong diện được vay vốn từ gói hỗ trợ nói trên, đã thấy có khá nhiều vấn đề dẫn đến tính thiếu khả thi của gói hỗ trợ. Cụ thể, Thông tư 07 quy định, các đối tượng được cho vay ưu đãi mua nhà từ gói hỗ trợ, bao gồm: Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng thu nhập thấp vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại (và nhà ở xã hội) có diện tích nhỏ hơn 70m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; DN là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, DN là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội.

Quy định có vẻ dễ dàng như vậy, nhưng việc xác định đối tượng “thu nhập thấp” thì không hề đơn giản, nếu không muốn nói là chưa cụ thể chi tiết. Mức thu nhập cụ thể là bao nhiêu mới được gọi là “thu nhập thấp” thì Thông tư lại “bỏ quên”. Có thể thấy, quy định chỉ ghi một cách chung chung “các đối tượng thu nhập thấp”, nhưng căn cứ nào để xác định mức thu nhập thế nào là thấp lại không được đề cập. Chính điều này sẽ gây ra những rắc rối trong quá trình triển khai, không loại trừ khả năng những người “thu nhập thấp” thật sự, vẫn bị bỏ quên khi triển khai hỗ trợ gói tín dụng này.

Xung quanh vấn đề trên, theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính ngân hàng, những quy định cụ thể về các đối tượng được cho vay như cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội và nhà ở thương mại… thì đã rõ, song đối tượng thu nhập thấp được nằm trong diện mua nhà ở xã hội mới là đối tượng cần phải xác định cụ thể. Điều này sẽ rất cần thiết để xác định chính xác đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ, tránh những trường hợp gian dối nhằm trục lợi.

“Cần phải dựa vào tiêu chí xét xem mức thu nhập bao nhiêu sẽ được xác định là đối tượng thu nhập thấp. Có thể đưa ra một mức thu nhập để làm chuẩn xác định đối tượng được vay mua nhà ở xã hội bằng cách, dựa vào thu nhập bình quân của những lĩnh vực đông người như lao động ngành dệt may, da giày… (mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng) để đưa vào tiêu chí xét mức thu nhập thấp hoặc có thể xét vào mức tất toán thuế thu nhập cá nhân của mỗi người” – ông Cấn Văn Lực cho biết.

Ngoài bất cập nói trên, ở góc độ lãi suất 6%/năm khi vay gói hỗ trợ này, được cho rằng, vẫn là quá cao. Thực tế trên thế giới không ai cho vay mua nhà với lãi suất cao như vậy, lãi suất mua nhà bao giờ cũng phải thấp hơn nhiều lãi suất đang cho vay thực tế, bởi lẽ có thể hiểu căn nhà (người dân muốn mua) cũng chính là tài sản họ đem ra đảm bảo. Chính vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng lãi suất của gói hỗ trợ này cần phải thấp nữa, nên ở mức 3%/năm có như vậy mới tạo được dòng chảy cho thị trường BĐS.

Mặt khác những quy định về việc người mua nhà được phép cho vay tối thiểu là 10 năm cũng được cho là chưa hợp lý. Bởi lẽ, không nên bắt buộc người mua phải vay trong 10 năm, nếu họ có nhu cầu trả trước thời hạn. Nếu cứ cứng nhắc như vậy cũng khiến quyền lợi của người mua nhà không được bảo vệ một cách thỏa đáng.

30.000 tỷ đồng và nỗi lo “nợ xấu”

Bên cạnh những “kỳ vọng” gói hỗ trợ nói trên là động thái tích cực trong vấn đề “phá băng” thị trường BĐS, hỗ trợ các đối tượng “thu nhập thấp” trong việc sở hữu nhà, an cư lạc nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp BĐS cung cấp cho khách hàng những sản phẩm phù hợp với sức mua của mọi người.

Ngược lại cũng có ý kiến e ngại, việc “bơm” 30.000 tỷ đồng vào thị trường BĐS sẽ khiến vấn đề “nợ xấu” ở nhiều ngân hàng tăng thêm. “Về bản chất, tiền ngân hàng rót ra không phải là “tài sản” của người dân, cũng không phải của doanh nghiệp – các đối tượng này đều phải đi vay và chịu lãi. Các ngân hàng đều phải tính toán để đảm bảo sự an toàn cho mình, đảm bảo ít nhất là việc thu hồi vốn. Ngân hàng cũng chính là những nhà đầu tư tài chính, nên không có chuyện họ xuất tiền ra để rồi không có lãi hay “cụt vốn”, và tiền họ xuất ra đến một lúc nào đó lại thu về, như vậy thì những đối tượng “khó khăn” vẫn hoàn “khó khăn”. Cần lưu ý với lãi suất gói hỗ trợ 6%/năm, trong bối cảnh hiện tại là không nhỏ” – một doanh nghiệp BĐS cho biết.

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây mối quan hệ giữa ngân hàng – doanh nghiệp (người vay vốn) dường như đang chuyển dần từ đối tác sang đối đầu. Mất niềm tin lẫn nhau đã xảy ra, nhiều doanh nghiệp do làm ăn thua lỗ, không trả nợ đúng kỳ hạn đã bị các ngân hàng bao vây “siết nợ”. Trong đó, không ít trường hợp doanh nghiệp dùng mọi thủ đoạn, vay được vốn ngân hàng xong, lại âm thầm thanh lý luôn tài sản trước đó được thế chấp để vay vốn, khiến nhiều ngân hàng rơi vào tình cảnh… khốn đốn.

Trao đổi với PV báo PL&XH, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội cho biết, sự thực không hẳn như thế. “Bởi lẽ khi ngân hàng cho bất kỳ doanh nghiệp hay cá nhân nào vay nợ đều phải đảm bảo tài sản thế chấp và đảm bảo việc đòi được tiền. Chứ không có chuyện 30.000 tỷ đồng đó cho vay là phát sinh nợ xấu. Ở tầm vĩ mô và bao quát, thì Chính phủ không thể để thị trường BĐS “chết”. Hậu quả sẽ là không riêng ngành BĐS mà toàn bộ nền kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng” – ông Nguyễn Hữu Cường khẳng định.

“Với 30.000 tỷ đồng, chỉ có thể hi vọng vào một kết quả tốt hơn hiện tại”

“Dẫu rằng gói hỗ trợ chỉ 30.000 tỷ đồng, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cũng nên nhìn nhận động thái trên ở góc độ tích cực. Đây là một nỗ lực rất lớn của cơ quan chức năng trong mục tiêu giải cứu thị trường BĐS khỏi tình trạng đóng băng” – TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế, khẳng định với PV báo PL&XH, trong cuộc trao đổi quanh gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng “bơm” vào thị trường BĐS.

PV: Thưa ông, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc đối tượng “người thu nhập thấp” chưa được các cơ quan đưa ra tiêu chí xác định cụ thể, sẽ khiến người thực sự có nhu cầu khó tiếp cận gói hỗ trợ. Ý kiến của ông về vấn đề trên như thế nào?

TS. Lê Đăng Doanh: Về quy định đối tượng được vay vốn, cơ quan chức năng cũng đã thể hiện khá rõ ràng: Đó là cán bộ, công nhân viên chức… những người thu nhập thấp; và các DN là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, DN là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên cũng cần phải tính đến, quy định như vậy đã cụ thể về mặt tài chính hay chưa? Trong tình hình hiện nay, cần phải đặt câu hỏi có kiểm soát được thu nhập của người dân hay không? Nhiều ý kiến cho rằng phải có quy định cụ thể “thế nào là thu nhập thấp”, song việc này rất khó bởi cơ quan chức năng sẽ dựa trên tiêu chí nào? Hiện nay có một thực trạng, có người làm ở một cơ quan nào đó, lương danh nghĩa thì rất thấp thưng thực tế thu nhập thì rất cao và rất giàu có. Nói như vậy để thấy rằng việc xác định “người thu nhập thấp” sẽ chẳng có căn cứ nào cả.

TS-Le-Dang-Doanh.JPG

TS. Lê Đăng Doanh.

Tuy vậy, vấn đề đang được đặt ra là cơ quan chức năng phải có cách nào đó để kiểm soát “thực trạng” trên, nếu không lại nảy sinh vấn đề xin cho – dễ tạo ra tham nhũng.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, việc “phá băng” thị trường BĐS là vấn đề nan giải. Với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, theo ông tính khả thi đến đâu?

TS. Lê Đăng Doanh: Thực tế, gói hỗ trợ này nhằm giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, cho các nhóm đối tượng đã định – thu nhập thấp. Thế nhưng tình hình hiện nay cũng đặt ra vấn đề các cơ quan chức năng có cách gì để ngăn chặn tình trạng “trao tay” hay không? Lấy ví dụ một cán bộ công chức được gọi là “thu nhập thấp”, dù không có nhu cầu về nhà ở, nhưng vẫn đăng ký và làm các thủ tục mua nhà xã hội, sau đó bán cho những người có nhu cầu thực sự với giá cao hơn để ăn chênh lệch. Mặt khác, ở Hà Nội và TP HCM, số lượng nhà ở xã hội không cao so với nhu cầu thực sự của người dân. Chính vì thế, với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng này, chỉ có thể hy vọng vào một kết quả tích cực hơn hiện tại, chứ không có chuyện sẽ làm thị trường BĐS “tan băng”.

Dù sẽ có những tác dụng nhất định, và cơ quan chức năng cũng cần phải có những biện pháp để “kiểm soát” tình hình. Theo tôi, không có cách nào khác, ngoài chuyện công khai minh bạch; cần phải công khai danh tính những người đã mua được nhà nhờ gói hỗ trợ này, cũng sẽ hạn chế tình trạng cán bộ công chức đầu cơ nhà, bán “trao tay” để kiếm lời. Đó là những vấn đề cần phải xem xét, để đảm bảo tính khả thi của gói hỗ trợ.

PV: Rất nhiều ý kiến lo ngại 30.000 tỷ đồng rót vào thị trường BĐS sẽ tăng thêm vấn đề “nợ xấu” cho các ngân hàng. Nhận định của ông trong vấn đề này như thế nào?

TS. Lê Đăng Doanh: Thực tế khả năng này là có ở bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ tổ chức tín dụng nào. Bởi lẽ tín dụng dựa trên nguyên tắc cơ bản là “niềm tin”, điều này bao giờ cũng ẩn chứa sự rủi ro. Rủi ro lớn nhất đối với bất kỳ tổ chức tín dụng nào cũng là việc người vay không có khả năng trả nợ. Vì vậy, trước khi cho vay, các ngân hàng cần phải càng cẩn trọng, càng minh bạch thì khả năng thu hồi vốn càng tốt. Việc các ngân hàng càng chặt chẽ nghiêm túc khi xét đối tượng cho vay, cũng là cách để họ đảm bảo tính ổn định và bền vững của mình, tăng khả năng thu hồi vốn, giảm rủi ro. Theo ý kiến của tôi thì động thái “bơm” tiền cho thị trường BĐS là rất tích cực, cần thiết dù rằng thời điểm hiện tại, chưa thể có cơ sở để nhìn nhận đánh giá chính xác mức độ hiệu quả đến đâu.

Sỹ Hào

Từ khoá: chuyên gia phân khúc người thu nhập thấp thu nhập thấp khó khăn tài chính triển khai quy định thông tư tín dụng tài sản giảm rủi ro người dân mức thu nhập vay vốn gia xây dựng nhu cầu niềm tin bão thị trường nền kinh tế doanh nghiệp ngân hàng kinh tế đầu tư tài chính